Từ lâu, bánh mì đã trở thành một trong những niềm tự hào của ẩm thực Việt, liên tục được thực khách nước ngoài và truyền thông quốc tế ca ngợi.

Theo trang Tasting Table, bánh mì Việt Nam có lớp vỏ giòn thơm ngon và phần nhân bên trong tinh tế và vị ngon độc đáo - không giống như bánh mì Pháp có xu hướng đặc và dai hơn.

Từ chiếc bánh mì baguette của Pháp thời xưa, người Việt Nam đã khéo léo biến tấu thay đổi cho hợp khẩu vị, cho thêm nhiều nguyên liệu vào ruột bánh để tạo thành món ngon đặc trưng riêng có tính biểu tượng.

Được đưa vào từ điển Oxford English Dictionary vào năm 2011, đến nay trên nhiều diễn đàn du lịch ẩm thực, bánh mì trở thành món nhất định phải thử khi tới Việt Nam.

Bánh mì dân tổ ở Hà Nội (Ảnh: victoriapham95).

Theo nghệ nhân ẩm thực Thanh Hoa, bánh mì là món ăn quốc dân, có mặt trên khắp các tỉnh thành trên cả nước và chinh phục thực khách bởi hương vị đậm đà, là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có bánh mì đặc trưng tùy theo ẩm thực địa phương và khẩu vị người dân để nêm nếm sao cho phù hợp.

Nếu như lấy hai địa danh du lịch lớn trong cả nước là Hà Nội và TPHCM để so sánh về bánh mì, nghệ nhân ẩm thực Thanh Hoa cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất giữa bánh mì tại hai địa phương này là phần nhân và nước sốt.

Trước kia, bánh mì truyền thống của Hà Nội thường khá đơn giản, có nhân gồm pate, ruốc, trứng rán, giò lụa. Người bán hàng sẽ cho thêm chút rau thơm, vài lát dưa chuột và rưới chút tương ớt để ăn chống đỡ ngán.

Đến nay, những chiếc bánh mì ở thủ đô cũng có sự thay đổi nhất định nhằm phù hợp với khẩu vị của nhiều tệp khách hàng. Sự biến tấu của bánh mì nằm cốt lõi trong phần nhân, gồm thịt nướng, giăm bông hay thịt xá xíu.

Suất bánh mì giá 260.000 đồng trong một nhà hàng 5 sao ở Hà Nội (Ảnh: Thanh Thúy).

"Đặc trưng của bánh mì Hà Nội có nhân không quá dày với lớp vỏ giòn xốp. Ngoài ra, thực khách có thể dễ dàng bắt gặp những hàng bán bánh mì bò bít tết với pate, trứng ốp la, khoai tây chiên. Thịt bò được rưới ngập sốt đặt trên chảo gang", nghệ nhân ẩm thực chia sẻ.

Đến thủ đô, thực khách có thể tìm thấy những quán nổi tiếng ở Phố Cổ, bánh mì bò bít tết Hòa Mã hay gần đây là bánh mì "dân tổ" nằm tại góc phố Trần Nhật Duật, Cao Thắng chuyên dành cho khách đi chơi về khuya.

Trong khi đó, bánh mì ở TPHCM rất đa dạng nhân và phần nước sốt hơn cả. Thực khách tùy ý lựa chọn phần nhân ăn kèm như thịt nướng, thịt quay, phá lấu, chả, thịt xá xíu, giăm bông, thịt nguội, pate, xíu mại...

Ngày nay một số quán còn biến tấu thêm bánh mì bò lá lốt, bánh mì sườn chả bì hay bánh mì bột lọc xoài.

Bánh mì Bảy Hổ có lớp vỏ giòn rụm, phần nhân thịt đầy đặn với hương vị thơm ngon (Ảnh: doiratngon).

Nét đặc trưng lớn nhất của ổ bánh mì tại TPHCM là kích thước chiếc bánh lớn hơn, lõi dày và phần nhân đầy đặn. Bánh thường được ăn kèm với các loại rau thơm, hành ngò, đồ chua, rưới đậm nước sốt, tạo hương vị rất khác biệt và khó quên.

Và yếu tố quan trọng tạo nên sự thơm ngon khác biệt của mỗi chiếc bánh mì đó là pate.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nghệ nhân ẩm thực Thanh Hoa nhận thấy nếu như pate ở Hà Nội béo ngậy nhờ những lát mỡ lợn xếp lên trên, thì ở TPHCM, người đầu bếp lại biến tấu ra các loại nước sốt gia truyền đặc trưng như nước sốt bơ, sốt cà chua Mayonaise, nước sốt thịt xíu mại. Phần sốt được rưới đẫm cùng pate càng kích thích tăng hương vị cho chiếc bánh.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ ẩm thực Trung Hoa nên người dân ở TPHCM còn ăn kèm bánh mì với cà ri gà hay phá lấu (món ăn chế biến từ nội tạng như gan, lá lách, dạ dày nấu cùng nước cốt dừa). Thay vì ăn với bún, thực khách lại chọn bánh mì. Hương vị đậm đà của cà ri, phá lấu, hòa quyện cùng miếng bánh nóng hổi khiến khách đôi khi ăn hết suất còn thòm thèm.

Bánh mì Huỳnh Hoa nặng chừng 400g với nhân đầy đặn cả chục nguyên liệu (Ảnh: thuen.ng).

Với sự biến tấu đa dạng nên TPHCM cũng sở hữu vô số quán bánh mì ngon như bánh mì Huỳnh Hoa, bánh mì Bà Huynh, bánh mì Bảy Hổ, bánh mì phá lấu Bà Sáu, bánh mì chảo cô Ba Hậu...